Những điều cần biết về việc xin giấy phép xây dựng ở nông thôn
Xây nhà là một việc hệ trọng của đời người, nó quyết định đến cuộc sống và công việc của chính bạn cũng như gia đình của bạn. Chính vì thế nên thủ tục để xây dựng , sở hữu hợp pháp nhà ở, công trình… là vô cùng phức tạp và luôn là sự quan tâm của rất nhiều người.
Trong số đó, rất nhiều người thắc mắc về việc có cần phải xin giấy phép xây dựng khi xây dựng tại vùng nông thôn hay không . Vì thế lời giải đáp cho câu hỏi liệu xây dựng nhà cửa, công trình, nhà máy… trên đất nông thôn có cần giấy phép xây dựng không và hình phạt nếu như vi phạm pháp luật ra sao sẽ được đề cập trong bài viết dưới đây.

Liệu xây dựng nhà ở, công trình tại nông thôn có cần giấy phép xây dựng không
Có thể nói, kiến thức về luật pháp của con người hiện nay là vô cùng hạn chế, đặc biệt là những người sinh sống ở nông thôn không có nhiều điều kiện để học hành. Chính vì thế việc nắm bắt thông tin về luật pháp không được chính xác và đầy đủ. Điều này dẫn đến việc người dân vô tình vi phạm pháp luật và phải chấp nhận hình phạt hành chính.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật xây dựng số 50/2003 được ban hành vào năm 2014, đối với mọi công trình trước khi chính thức được khởi công xây dựng thì chủ đầu tư, chủ sở hữu phải có trách nhiệm xin giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định. Trừ những trường hợp đặc biệt được miễn giấy phép xây dựng đã được nêu cụ thể trong văn bản luật.
Trong đó, những công trình xây dựng không cần có giấy phép xây dựng đó là:
– Các công trình, nhà ở thuộc diện bí mật của nhà nước, công trình có lệnh khẩn cấp của nhà nước và các công trình phụ được xây dựng tạm thời để phục vụ cho việc xây dựng công trình chính.
– Các công trình được xây dựng theo tuyến không đi qua khu đô thị nhưng vẫn phù hợp với quy hoạch xây dựng và dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Các nhà ở riêng lẻ tại vùng hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa không thuộc các khu đô thị và các điểm dân cư tập trung hoặc các điểm dân cư nông thôn mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt bản quy hoạch.
– Các công trình xây dựng nhỏ lẻ nhằm để sửa chữa, cải tạo hay lắp đặt nội thất bên trong mà không làm thay đổi kiến trúc ban đầu của công trình đó.

Đối với những nhà ở tại vùng nông thôn được xây dựng nhỏ lẻ chủ yểu nhằm phục vụ mục đích sinh sống của người dân:
Đối với trường hợp này thì việc quy định về giấy phép xây dựng phải do các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương ban hành sao cho phù hợp với tình hình cụ thể tại các địa phương đó. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có trách nhiệm nêu rõ các địa điểm dân cư tập trung bắt buộc phải có giấy phép xây dựng trong văn bản luật.
Đối với những công trình và nhà ở riêng lẻ thuộc vùng quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa thực hiện được thì chỉ được nhà nước cấp giấy phép xây dựng tạm thời có thời hạn.
Tuy nhiên theo luật mới được sửa đổi vào năm 2014 ( Luật xây dựng 2014)
Trong bộ luật được đề ra vào năm 2014 thì kể từ ngày 1/1/2015, mọi nhà ở nhỏ lẻ được xây dựng tại nông thôn đều không cần phải có giấy phép xây dựng ngoại trừ trường hợp đặc biệt sau được nêu rõ trong văn bản luật: Đó là trường hợp nhà ở riêng lẻ đó được xây dựng tại các khu di tích lịch sử văn hóa và khu bảo tồn quốc gia.
Như vậy, đất ở nông thôn hiện nay không cần phải có giấy phép xây dựng, ngoại trừ trường hợp đó là nhà ở, công trình xây dựng đó thuộc phạm vi của các khu di tích lịch sử văn hóa và khu bảo tồn.

Nhà ở không có giấy phép xây dựng bị phạt như thế nào
Những hình phạt nào được áp dụng đối với trường hợp xây dựng công trình, nhà ở mà không có giấy phép xây dựng?
Theo Nghị định số 121 được ban hành vào năm 2013 thì quy định về việc xử phạt vi phạm mức hành chính đối với những hành vi không có giấy phép xây dựng nói chung và tại khu vực nông thôn nói riêng được chỉ rõ như sau:
– Phạt hành chính với mức tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu chủ đầu tư xây dựng công trình hoặc nhà ở riêng lẻ tại nông thôn mà không có giấy phép xây dựng.
– Phạt tiền với mức phạt dao động trong khoảng 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu xây dựng nhà ở, công trình tại các khu đô thị.
– Phạt tiền với mức phạt trong khoảng từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ, công trình mà phải lập báo cáo về kinh tế và kỹ thuật
– Với những trường hợp tái vi phạm thì căn cứ vào mức độ vi phạm sẽ có mức phạt hành chính khác nhau.
Có thể thấy, hầu hết các trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ hay công trình nhỏ trên đất nông thôn không cần phải có giấy phép xây dựng, chỉ trừ một trường hợp nếu nhà ở được xây dựng tại khu bảo tồn và khu di tích lịch sử văn hóa. Vậy nên trước khi tiến hành xây dựng nhà ở hay công trình ở một địa điểm cụ thể thì bạn hãy nghiên cứu kỹ điều luật xây dựng để tránh những vi phạm không đáng có nhé!